Hoàng Văn Binh (SN 1992) được bà con người Nùng xã vùng biên Cần
Nông, huyện Thông Nông, Cao Bằng nhắc đến đầy thán phục khi Binh là một
trong ba trường hợp đi học đại học đầu tiên của xã nhà. Hiện Binh đang
là một sinh viên ngoan và học tốt của lớp Chính sách công K31, Học Viện
Báo chí- Tuyên truyền.
Ngày 4/1/2013, Binh được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8 do nôn
mửa, khó thở và da, mắt vàng như nghệ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ
kết luận Binh bị viêm gan cấp tính. Nếu không được cứu chữa kịp thời,
thời gian sống của Binh sẽ tính theo từng ngày. Sau khi được cấp cứu,
Binh được đưa đến điều trị tại khoa Nội, bệnh viện 19-8. Bác sĩ Hoàng
Thanh Tuyền, Trưởng khoa Nội nhận định, bệnh tình của Binh những ngày
đầu diễn biến phức tạp.
Gia đình của Binh có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, sống trong một ngôi nhà nhỏ trong bản của người Nùng trên núi cao, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến được nơi có xe cộ đi lại. Ngày 7/1/2013, nghe tin con mắc bệnh nặng, bố của Binh là ông Hoàng Văn Quyết đã lặn lội hàng trăm cây số từ Cao Bằng xuống Hà Nội, khi trong túi chỉ có vẻn vẹn ba trăm nghìn đồng.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, khi các bác sỹ giải thích bệnh tình của
Binh, ông Quyết không thể hiểu hết được, bác sỹ hỏi ông có đủ khả năng
để chuyển Binh sang bệnh viện Bạch Mai lọc máu cho Binh không, ông cũng
chỉ biết lắc đầu bởi số tiền lên đến cả trăm triệu ông biết lấy ở đâu
ra? Ông bảo: “tôi lo đến nỗi không nuốt nổi miếng cơm nữa. Nhà tôi có
con bò quý giá nhất thì gia đình cũng bán đi để có tiền cho Binh chữa
bệnh nhưng chẳng được bao nhiêu. Cứ chữa bệnh cho Binh đã, sau này lại
đi vay con bò về mà cày cấy thôi”.
Bác sỹ Phạm Thị Việt Anh (Khoa Nội 3- Bệnh viện 19-8) là người trực tiếp điều trị cho Binh nói: “Hoàn cảnh của bệnh nhân thật sự đáng thương, trước đó 3 ngày Binh đã vào viện, bác sỹ ở phòng khám đã yêu cầu nhập viện nhưng mà không có tiền. Sau đó người bạn cùng phòng phải đi vay mượn đâu được hai triệu cho Binh nhập viện. Đối với bệnh này không thể chủ quan được, mà chi phí thì rất tốn kém, cả về sau này nữa. Theo tôi, bệnh nhân rất cần sự động viên an ủi và quan trọng là hỗ trợ về tài chính để có thể điều trị bệnh lâu dài.”
Những ngày khó khăn của Binh may mắn có được bạn bè luôn sát cánh. Các bạn trong lớp đã thay nhau đến chăm sóc cho Binh, nấu từng bữa cơm để hạn chế các khoản chi tiêu cho gia đình Binh, vận động quyên góp chắt chiu từng đồng từ các bạn sinh viên trong trường để giúp đỡ cho Binh vượt qua bệnh tật, sớm trở lại học tập với giảng đường, thầy cô và bè bạn. Bản làng vùng biên giới xa xôi vẫn hàng ngày ngóng tin của đứa con ngoan ngoãn, học giỏi.
Để vượt qua cái nghèo của bản làng mà đến được với con chữ, Binh phải rất chăm chỉ, hàng ngày em vượt hàng chục cây số quãng đường rừng núi để tới trường. Khó khăn không nản, Binh quyết chí học hành rồi đỗ đại học trong niềm vui mừng kèm theo nỗi lo lắng về kinh tế của bố mẹ.
Theo học chuyên ngành Chính sách công, khoa Chính trị học của Học
viện Báo chí và Tuyên truyền, Binh mong muốn một ngày không xa sẽ trở về
quê, làm người cán bộ tốt, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng,
giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Đôi mắt vàng ọc như nghệ của Binh
vẫn tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Tôi bất giác thấy nhói trong
tim, rớt nước mắt quay mặt đi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét